Translate

Libellés

samedi 7 octobre 2017

Trần Văn Lương và bài thơ với bạn hữu Tầm Ảnh.

tt

Nếu quý anh hcị nào không biết mình có cái đầu nằm ở đâu, thì vào đây đọc thơ của anh trần Văn Lương đang điên đầu vì anh đang tìm mãi xem bóng mình ẩn nơi nào.
Cám ơn anh Lương đã chia sẻ bài thơ.
Caroline Thanh Hương


Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
      Trăng đi thì bóng cũng đi,
Trăng về bóng hiện, can chi khổ tìm.


Cóc cuối tuần:

    尋 影
,
.
,
.
,
.
,
.
                  


Âm Hán Việt:

              Tầm Ảnh
Hắc vân mạn mạn cái trường không,
Khách ảnh, nguyệt luân cộng ẩn tung.
Mang biện tạp thanh tùng ốc ngoại,
Thác di kỳ bảo tại sơn trung.
Hạnh đâu áp tích, tâm năng tỉnh,
Mê trảo nhân đầu, não thụ phong.
Ti khởi, vân tiêu, minh nguyệt hiện,
Nhân tri ảnh tử vị tằng vong.
            Trần Văn Lương


Dịch nghĩa:

             Tìm Bóng
Mây đen dần dần che kín trời,
Bóng người và mặt trăng cùng nhau biến mất (giấu tung tích).
(Vì) bận rộn phân biện âm thanh đến từ phía ngoài nhà, (1)
(Nên) lầm lẫn bỏ sót bảo vật ở trong núi. (2)
May mắn đánh mất dấu vết đàn vịt (nên) tâm được tỉnh, (3)
Mê mờ (lo) tìm kiếm đầu người (nên) óc bị điên. (4) (5)
Gió nổi lên, mây tan, trăng sáng hiện ra,
(Bèn) biết rằng cái bóng (của người) chưa bao giờ mất đi.


Ghi chú:

(1) Bích Nham Lục, tắc 46: Cảnh Thanh Vũ Trích.

Cử:
     Thiền Sư Cảnh Thanh hỏi một ông tăng:
     - Ngoài cửa là tiếng gì vậy?
     Ông tăng nói:
     - Tiếng giọt mưa.
     Sư bảo:
     - Chúng sinh điên đảo, mê mờ chính mình để đuổi theo sự vật.
     Ông tăng nói:
     - Còn Hòa Thượng thì như thế nào?
     Sư bảo:
    - Ta suýt không mê mờ chính mình. 
    Ông tăng nói:
    - Suýt không mê mờ chính mình, ý chỉ thế nào ?
    Sư đáp:
    - Xuất thân còn dễ, thoát thể mới khó.

(2) Bích Nham Lục, tắc 62: Vân Môn Nhất Bảo.

Cử:
    Thiền Sư Vân Môn dạy chúng:
    - Trong càn khôn, giữa vũ trụ, có một báu vật bí mật giấu trong núi hình. Cầm lồng đèn đến nơi Phật điện, đem tam môn đến đặt trên lồng đèn.

Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
    Hãy nói xem, Vân Môn nói như thế, ý như thế nào?
    Há không thấy cổ nhân nói: - Thực tính của vô minh là Phật tính, không thân huyễn hóa là Pháp thân. Lại nói: - Chính ngay phàm tâm mà thấy Phật tâm, núi hình chính là tứ đại ngũ uẩn vậy.
"Có một báu vật bí mật giấu trong núi hình". Cổ nhân bảo: - Chư Phật ở trong tâm, người mê đi tìm kiếm ở bên ngoài. Ôm báu vật vô giá ở trong lòng mà một đời chẳng biết.
...

(3) Bích Nham Lục, tắc 53: Bách Trượng Dã Áp.

Cử:
     Một lần Mã Đại Sư (Mã Tổ Đạo Nhất) và Bách Trượng cùng đi, thấy đám vịt trời bay qua.
     Đại Sư hỏi:
     - Cái gì đó?
     Bách Trượng đáp:         
     - Vịt trời.
     Đại Sư hỏi:
    - Bay đến chốn nào vậy ?
    Bách Trượng đáp:
    - Bay qua mất rồi.
    Đại Sư bèn nắm và vặn chót mũi của Bách Trượng. Bách Trượng đau đớn kêu lên.
    Đại Sư nói:
    - Đã từng có bay đi đâu?

Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
     Xét về chính nhãn, Bách Trượng có đầy đủ. Mã Đại Sư không gió mà gây ra sóng. Các người nếu muốn làm thầy của các Tổ sư thì hãy tham thủ Bách Trượng; còn nếu muốn tự cứu chẳng xong thì hãy tham thủ Mã Đại Sư. Hãy nhìn cổ nhân, trong 12 thời thần chưa từng không ở trong ấy. Bách Trượng không ăn mặn, muốn cùng thiên hạ làm cha. Hai mươi năm làm thị giả cho Mã Tổ, nhân lời nói này mà ngộ.
...
     Mã Đại Sư há chẳng biết đó là vịt trời sao? Tại sao lại hỏi như thế? Ý của Sư ở tại chỗ nào? Bách Trượng chỉ còn biết đi theo sau. Mã Tổ bèn vặn mũi. Bách Trượng kêu đau. Đại Sư nói:  - Đã từng có bay đi đâu? Bách Trượng nhờ đó có tỉnh ngộ. Như ngày nay có người vừa bị hỏi đã kêu đau, nhưng nhảy không ra khỏi.
...

(4)  Kinh Lăng Nghiêm (nguyên tên là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Bát Lạt Mật Đế dịch từ Phạn ra Hán, cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán ra Việt và chú thích), quyển 4:

"...
Đức Phật dạy tôn giả Phú Lâu Na:
... Chắc thầy có nghe, trong thành Thất-la-phiệt có anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, vào một buổi sáng mai, lấy gương ra soi mặt, bỗng nhiên thấy thích cái đầu ở trong gương, vì có thể thấy được cả cặp mắt, lông mày. Rồi anh ta lại nổi giận, trách cứ cái đầu của mình, sao lại không thấy được mặt mày. Anh chàng cho cái đầu của mình là yêu quái, rồi không cớ gì, bỗng nhiên phát điên bỏ chạy! Thầy nghĩ thế nào? Người đó vì nguyên nhân gì mà vô cớ phát điên bỏ chạy?
...
Như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong thành kia, đâu có nhân duyên gì, bỗng dưng tự sợ hãi cái đầu của mình mà bỏ chạy! Khi tâm trí bình tĩnh trở lại thì biết cái đầu của mình vẫn ở đó, hoàn toàn không phải do lấy được từ bên ngoài! Mà giả sử chưa bình tĩnh trở lại, cái lúc hoảng hốt bỏ chạy đó, thì cái đầu vẫn ở đó, chứ có mất đi đâu?
..."

(5) Philip Kapleau, Ba Trụ Thiền (The Three Pillars of Zen), bản dịch của Đỗ Đình Đồng, chương I, đoạn 8.
(Không hiểu tại sao trong sách này, Diễn Nhã Đạt Đa lại là nữ)

"...
      Người ta bảo rằng chuyện này xảy ra vào thời đức Phật. Chuyện có thật hay chỉ là truyền thuyết, tôi không thể nói được. Dẫu sao, Diễn-nhã-đạt-đa vẫn là một cô gái đẹp không thích gì hơn là ngắm mình trong gương mỗi sáng. Một hôm khi soi gương, nàng thấy mình không có đầu. Tại sao vào buổi sáng đặc biệt này nàng lại không có đầu, kinh không nói. Dù sao, nỗi kích động lớn đến nỗi nàng hóa điên, chạy quanh hỏi xem ai đã lấy mất đầu mình: “Ai lấy đầu tôi? Đầu tôi đâu rồi? Nếu không có đầu, tôi chết mất!” Rồi nàng khóc, mặc dù mọi người bảo nàng rằng: “Đừng có ngốc, đầu cô trên cổ cô đấy chứ có mất bao giờ đâu!” Nhưng nàng không tin: “Không, không đúng! Không, không đúng, phải có người nào đó đã lấy mất đầu tôi!” Nàng kêu lên, tiếp tục tìm kiếm điên cuồng. Cuối cùng, các bạn nàng tin nàng điên, lôi nàng về nhà, buộc nàng vào gốc cột đề phòng nàng tự làm hại mình.
..."


Phỏng dịch thơ:

             Tìm Bóng
Mây đen lấp kín mảnh đêm sầu,
Trăng ẩn, bóng người cũng lặn sâu.
Lạc lối bởi truy cầu sự vật,
Lầm đường nên đánh mất trân châu.
Cuối trời lũ vịt không lưu dấu,
Trong tối chàng trai mải kiếm đầu.
Gió nổi, mây tàn, trăng lại tỏ,
Bóng người vẫn đó, có đi đâu!
          Trần Văn Lương
            Cali, 10/2017



Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư :
     Trăng ẩn, bóng người cũng ẩn. Trăng sáng, bóng lại hiện.
    Tựu trung cái bóng vẫn còn đó với người, có bao giờ mất đâu. Chỉ cần có chút ánh sáng là bóng lại hiện ra ngay, việc gì phải đôn đáo chạy tìm trong vũng tối!
     Hỡi ơi, cứ hướng ngoại mò mẫm tìm cầu, phiền não biết bao giờ mới dứt!
     Nào hay khói Lô sơn, sóng Chiết giang cuối cùng rồi vẫn thế (*)

Ghi chú:

(*)  Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận (Essays in Zen Buddhism), bản dịch của Trúc Thiên, quyển Thượng.
"...
Vậy, quan điểm cùng tuyệt của Thiền là vì vô minh nên ta lầm đường lạc lối, tưởng có sự chẻ đôi ở trong ta trong khi, từ nguyên thỉ, chưa hề có cuộc tranh chấp nào giữa hữu cực và vô cực; và sự tự do mà ta nhiệt thành tìm kiếm vẫn có đó tự bao giờ. Thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống, diễn lấy bằng mấy vần thơ như sau: 
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều `

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến đó luôn mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang


Lại xin dùng lục ngôn bát cú cho vui thôi vì mấy bồ chữ Thầy Đồ Lương dùng hết rồi

TÌM HÌNH KIẾM BÓNG

Mây đen phủ kín bầu trời
Vừng Nguyệt bóng người đâu rồi
Bởi quá ngóng tin ngoài phố ,
Nên quên của báu trên đồi
Vịt bay mất : hồn chợt tỉnh ,
 Người chẳng đầu :óc điên thôi!
Gió nổi Mây tan trăng sáng 
Bóng tôi luôn kế cận tôi  !

LTĐQB




Góp với anh Lương và anh Đỗ Quý Bái bài thơ .
Lâu quá chẳng đụng tới thơ phú, nhưng cũng cố gắng theo chân bậc đàn anh.
CRTH




Tìm Người Trong Bóng.

Mây đen rủ đến kín đêm thâu
Ẩn náu, trăng, người bỏ trốn đâu.
Náo động bên ngoài tìm bảo vật
Im lìm trong đó có trân châu
May thay tìm mãi không còn dấu
Xui xẻo còn đây có mất đầu.
Gió cuốn, mây trôi, trăng lại hiện
Biến người không ảnh lánh đi đâu.
      Thanh Hương CR
       07 tháng 10 năm 2017

mercredi 4 octobre 2017

Những bài thơ xướng hoạ thật tuyệt về chủ đề Trăng và chị Hằng

tt

Nhận được rất nhiều bài thơ xướng họa từ các cao nhân thơ nói về Trung Thơ hay ghẹo Nguyệt, tôi xin được lưu lại trên trang Blog này.

Nhọm 1 gồm những bài thơ từ anh Tha Nhân và nhóm 2 từ bạn hữu của anh Đỗ Quý Bái.

Anh chị nào mê thơ Đường, có thể vào đây đọc không thấy chán những bài thơ thật hay, đúng về quy luật, hay về ý thơ, mỗi bài một nét tả chị Hằng khác nhau.

Chân thành cám ơn quý anh chị đã gửi bài đến cho tôi.

Caroline Thanh Hương


KÍNH MỜI HUYNH TỶ HỌA THƠ TRUNG THU -

TRĂNG RẰM
Đêm thu thơ nghẹn giữa cung hằng
Nâng bút sững sờ chẳng nói năng
Bởi chị mân mê chân lãng tử
Vì người quyến rũ gót tao nhân
Dung nghi vành vạnh soi biên giới
Cốt cách dịu hiền rọi ải quan
Mây phụng tiếp nghênh trăng với gió
Theo rằm xuống lội cõi trần gian
Như Thị

  TRĂNG THẾ GIAN
**
Trăng khuyết làm thay đổi dáng hằng
Đêm rằm   ban chị chút quyền năng
Sáng bao ngõ tối ,,,thêm tâm đức
Soi mọi  lối mòn ,,,lắm trí nhân
Ngắm  ảnh thu vàng  , thêm náo nức
Nhìn khuôn đầy đặn ,  khó bi quan
Khuya nay không khác rằm muôn thuở
Con tạo khéo quay ,,,trăng thế gian
**
Hoành Châu (4.10. 2017   )


 Tha Nhân góp họa:


TRÒ ĐỜI
Trên ấy vui không hỡi chị Hằng
Ta Bà cõi tạm, lắm tài năng??!!
U mê lặn hụp, cầu gia hộ
Say đắm trôi lăn muốn cứu nhân
Giải thoát, giả tu vờ chứng ngộ
Độ người, khuyến dụ chớ bi quan
Trò đời đối xử toàn lừa phỉnh
Mạt pháp quỉ ma ngập thế gian

Camthành, Oct 3 2017
Tha Nhân kính hoạ 



Xin góp bài họa với Anh LĐM

HỎI CHỊ HẰNG

Đầy đặn khuôn trăng chửa chị Hằng?
Mưa buồn nên rọi bớt siêng năng?
Cho Ngưu ngơ ngẩn hồn tân phận?
Để Chức âu sầu dạ cố nhân ? 
Lại hỏi Thiềm Cung vô trách nhiệm ?
Thưa rằng Bóng Quế chẳng bàng quan!
 - Vô tư! Đâu cũng trong trời đất,
Tự cổ trọn rằm giữa thế gian! 

Phan Tự Trí



Đêm nay rằm trung thu xin được góp họa cùng nhà thơ Như Thị

NÓI VỚI CHỊ HẰNG
Ân oán mà chi hỡi chị Hằng
Miễn sao cốt cách với tài năng
Thơ bay hợp  lối  vì tâm thiện
Bút lượn chung đường bởi tính nhân
Mặt đất tươi vui thêm phấn khích
Bầu trời trong sáng bớt bi quan
Đêm rằm chú cuội cười ai đó
Cứ ngẩn ngơ hoài giữa thế gian
Phạm Kim Lợi

 Xin có bài họa cùng anh Lê Đăng Mành.

SAY CÙNG TRĂNG

Ánh ngọc mời say túy lúy Hằng
Phiêu bồng vũ trụ cánh siêng năng
Phong lưu suốt cõi tinh khôi mộng
Hào sảng không miền tạp chủng nhân
Tận thỏa trăm năm dài cách biệt
Vui tròn khoảnh khắc phút tương quan
Hồn nhiên phối sắc màu nguyên thủy
Cát bụi chưa hề biết dối gian
Lý Đức Quỳnh


 LÊ ĐĂNG MÀNH CHÂN THÀNH CÁM ƠN QUÝ THI HỮU ĐÃ VUI HỌA THƠ TRUNG THU
KÍNH CHÚC  MÙA TRĂNG TRÒN ĐẦY AN LẠC
KÍNH MỜI XEM 
http://wlamnguyet.blogspot.com/2017/10/trang-ram.html

HỌA VẬN :
    
          LÃM THU NGUYỆT

Lãm nguyệt đêm thu lãm nguyệt hằng,
Chạnh niềm cô lữ khước vô năng.
Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.
Vành vạnh ngang trời trăng  dị quốc,
Mông lung ngàn dặm nguyệt hương quan.
Gần xa xưa cũ tùy tâm tưởng,
Trăng vẫn là trăng của thế gian !

                                      Đỗ Chiêu Đức

Sông Thu xin góp họa:

NHẮN CHỊ HẰNG

Soi rọi khắp nơi hỡi chị Hằng
Một làn ánh sáng vạn quyền năng
Chiếu nơi tăm tối không nguồn sống
Xua cảnh đọa đày thiếu nghĩa nhân
Thức tỉnh lương tri người lạc lối
Trui rèn đạo đức kẻ tham quan
Thiện căn rạng rỡ trong tâm thức
Theo suối trăng tràn xuống thế gian.
Sông Thu
( Mùa Trung Thu 2017 )


TV Luỷ xin góp họa vui

KỂ CHUYỆN HẰNG NGA

Đúng vậy xưa nay - tiếng chị Hằng,
Sắc tài quyến rũ - giỏi siêng năng,
Dung nhan xán lạn là tiên nữ,
Tâm địa hiền hoà đã quý nhân,
Chẳng thiết cao xa tiền của cải,
Nào màng phú quý chức vua quan,
Chỉ mơ thơ đọc - làm không được,
Chạy kiếm vòng quanh - khắp thế gian./.
Trương Văn Luỷ

 Chép bài xướng họa bẩy năm xưa
Chợt thấy lòng mình chĩu gió mưa
Thi khách hình như xa lạ hết
Đường Thi, Câu Đối quá dư thừa.

Ma Nữ 6/23/2017
Nguyệt

Kính chào quý vị,chúc vui khỏe cuối tuần.
xin được góp họa vui bài: Nguyệt .có chi không phải bổ khuyết cho.

Nguyệt
Họa

Giữa trời tĩnh mịch khỏa châu thân
Chú Cuội mon men muốn lại gần
Để ngắm thân ngà in đáy nước
Và coi dáng ngọc trải dương trần
Đã làm dao động tâm quân tử
Còn tạo mẩn mê dạ thế thân...
Sẵn bút thơ ghi thêm nốt nhạc
Chung hòa bay bổng cánh thiên thần.

Từ Thanh Hà,2-4-10

 Nguyệt ...

Bích Ngọc như dường kém sắc thân
Hồng Ngư chẳng dám đứng so gần
Mềm tay Thạch Thảo tràn hoa sóng
Ngọt đóa Tường Vi ướp nụ trần
Tục lụy đâu còn câu mộng cảnh
Thế tình đã hết cõi phàm nhân
Cưỡi mây bay đến vùng cô tịch
Choàng áo đầy sao lấp lánh thần

Ái Linh
29/03/2010






Nguyệt


Hải Đường e thẹn lá choàng thân
Ngọc Bút đăm chiêu trốn chẳng gần
Khoác áo Trà Mi che sắc tục
Khép tà Dạ Lý giấu hương trần
Mộng xưa thoảng ngọt mùi cam thảo
Thuốc đắng bay nồng vị tử nhân
Phủi sạch bụi đời trong tĩnh mịch
Vầng mây phủ bóng kết sao thần

th - Shiroi
29/03/2010



NguyệtTrinh Nữ chao mình khóc tủi thân
Lưu Ly ủ dột tránh men gần
Che lùm Thược Dược nghiêng đài biếc
Nấp bụi Hồng Hoa xếp cánh trần
Sắc nước mê hồn cung nhạc sĩ
Hương trời nức dạ bút thi nhân
Huyền linh cỡi gió đèo mây trải
Vạn cổ ngàn thu lộng nét thần
Vntvnd 
](30/03/2010)



]NỎ THẦN HẬU NGHỆ
( Xạ Nguyệt )

Ngọc Thố ,Thiềm Thừ kết bạn thân
Lang quân thiện xạ hết mong gần
Nhàn cư thiên đỉnh xa niềm tục
Quy ẩn tường vân lánh bụi trần
Cung Quế khôn vui chờ mạc khách?
Quảng Hàn khó ấm đón tao nhân?
Hẳn là lạnh ngắt vì lo sợ
Hậu Nghệ đang tay kéo nỏ thần?

Ma Nữ 


lundi 2 octobre 2017

Chị Cathy giới thiệu bộ ảnh Mỏ lưu huỳnh Kawah Ijen - 'địa ngục' nơi trần thế.

tt

 Kính gửi quý anh chị bộ ảnh của chị Cathy sưu tầm và nghe nhạc của Pierre Bachelet, cũng nói về chuyện những khai thác mỏ than.
Caroline Thanh Hươmg


Những người thợ mỏ phải làm việc trong điều kiện như địa ngục để khai thác lưu huỳnh. Nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald nói rằng mùi ở trong mỏ là không chịu được và anh đã phải mượn một chiếc mặt nạ phòng độc để đảm bảo an toàn, thứ mà rất ít thợ mỏ sử dụng...
Ở Đông Java, Indonesia có một mỏ lưu huỳnh nằm trên miệng núi lửa Kawah Ijen. Nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald đã thực hiện một chuyến tham quan mỏ này để ghi lại những hình ảnh hết sức lạ mắt và tuyệt đẹp. Chúng trông như khung cảnh ở một hành tinh hoàn toàn khác với những gì chúng ta vẫn thường thấy trên trái đất.
Những tấm ảnh của Olivier đầy màu sắc và mờ ảo với ánh trăng, ngọn đuốc và những ngọn lửa màu xanh khi lưu huỳnh cháy. Những người công nhân mỏ được đưa lên miệng của ngọn núi lửa Kawah Ijen cao khoảng 2.600m, sau đó đi xuống bờ của một hồ axit sulfuric sâu 200m, nơi họ lấy những tảng lưu huỳnh nguyên chất để vận chuyển lên trên.

Sau đây là những tấm ảnh mà Olivier Grunewald đã chia sẻ với chúng ta.

[IMG]
Một công nhân đang đứng bên trong miệng núi lửa Kawah Ijen vào buổi tối, trên tay cầm một ngọn đuốc và nhìn về dòng lưu huỳnh lỏng đang bốc cháy với ngọn lửa màu xanh kỳ quái.

[IMG]
Trong lòng miệng núi lửa Kawah Ijen, một hồ axit rộng chừng 1km nằm ở giữa. Trên bờ hồ là nơi những công nhân khai thác lưu huỳnh.

[IMG]
Hơi nước và khí axit bốc lên từ những lỗ phun khí nằm giữa những tảng lưu huỳnh màu vàng và lưu huỳnh lỏng đang cháy.

[IMG]
Lưu huỳnh lỏng đang bốc cháy chảy bên trong miệng núi lửa. Lưu huỳnh hóa lỏng ở nhiệt độ chừng 100 độ C, nhiệt độ bên trong núi lửa không đủ để làm lưu huỳnh tự cháy mà là do những tia lửa phát ra từ các ngọn đuốc của công nhân.
 
[IMG]
Một công nhân đang đào lưu huỳnh đặc để mang về trại.
 
[IMG]
Lưu huỳnh lắng đọng trên miệng của chiếc thùng phi bên trong núi lửa Kawah Ijen.
 
[IMG]
Những người thợ mỏ phải làm việc trong điều kiện như địa ngục để khai thác lưu huỳnh. Nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald nói rằng mùi ở trong mỏ là không chịu được và anh đã phải mượn một chiếc mặt nạ phòng độc để đảm bảo an toàn, thứ mà rất ít thợ mỏ sử dụng.
 
[IMG]
2 thợ mỏ đứng nghỉ ngơi gần ngọn lửa, trên tay là chiếc xà beng dùng để nạy những tảng lưu huỳnh cứng.
 
[IMG]
Một loại dung dịch lưu huỳnh chảy bên trong núi lửa Kawah Ijen. Khi tan chảy, lưu huỳnh cho màu đỏ như máu khi nhiệt độ giảm đi nó sẽ trở nên vàng hơn.
 
[IMG]
Lưu huỳnh lỏng bốc cháy sau khi chảy ra từ những khe đá và ống làm bằng gốm, nơi hóa lỏng khí lưu huỳnh từ núi lửa, sau đó làm lạnh và biến chúng thành những tảng lưu huỳnh đặc để công nhân mỏ khai thác.
 
[IMG]
Dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, các thợ mỏ nạy từng tảng lưu huỳnh để mang về lán trại.
 
[IMG]
Những tảng lưu huỳnh được xếp ngay ngắn vào giỏ để chuẩn bị đưa ra khỏi núi lửa.
 
[IMG]
Một người thợ mỏ đang lấy lưu huỳnh gần miệng ống cô đặc, xa xa là đám cháy màu xanh từ lưu huỳnh lỏng.
 
[IMG]
Các công nhân mỏ tập trung lưu huỳnh để chuẩn bị trở về.
 
[IMG]
Lưu huỳnh lỏng cháy trên một tảng lưu huỳnh rắn. Các thợ mỏ sẽ dập đám cháy trước khi rời đi để tránh bị hao tổn lưu huỳnh.
 
[IMG]
Một người thợ trở về lán trại với đôi quan gánh nặng trĩu lưu huỳnh.
 
[IMG]
Một thợ mỏ với mặt nạ phòng độc đi ngang qua đám hơi nước và khí axit, trên tay là ngọn đuốc và bên cạnh là một đám lưu huỳnh lỏng cháy.
 
[IMG]
Một thợ mỏ đang chỉnh lại 2 chiếc giỏ của anh ta, mỗi cặp giỏ đầy như thế này nặng trung bình từ 45-90kg.

[IMG]
Các thợ mỏ chuẩn bị trở về lán trại.
 
[IMG]
Một chiếc lán nhỏ của các thợ mỏ nằm trong miệng núi lửa Kawah Ijen.
 
[IMG]
Một người thợ mỏ đang chỉnh lại những tảng lưu huỳnh trong giỏ của anh ta.
 
[IMG]
Những thợ mỏ đang trở về lán trại với ngọn đuốc trên tay. Họ phải leo 200m để lên được miệng núi lửa.

[IMG]
Phía sau lưng của những người thợ mỏ làm việc bên trong núi lửa là lưu huỳnh bốc cháy, hồ axit và những vách núi đầy ánh trăng.
 
[IMG]
Một thợ mỏ đang cân những gì mà anh ta lấy được. Trung bình mỗi ngày một người thợ sẽ đi ra vào mỏ lưu huỳng từ 2-3 chuyến. Tiền công của những người này khoảng 13 USD/ngày.

[IMG]
Trong khâu chế biến đầu tiền, những tảng lưu huỳnh to sẽ được đập nhỏ.
 
[IMG]
Sau đó chúng sẽ được nấu chảy.

[IMG]
Lưu huỳnh lỏng được chế vào những chiếc xô đựng.

[IMG]
Một số thì được chế vào những xô khác, có lẽ là phân loại.

[IMG]
Cuối cùng, lưu huỳnh lỏng được đổ ra một bề mặt phẳng để làm lạnh thành dạng miếng. Sau đó, chúng sẽ được đưa đến các nhà máy chế biến cao su, tẩy trắng đường và nhiều ngành công nghiệp chế biến khác.

[IMG]
Còn đây là tác giả của những bức ảnh ở trên, anh Olivier Grunewald. Cảm giác của Olivier khi đến Kawah Ijen là như đang ở một hành tinh khác. Để thực hiện bộ ảnh này, Olivier đã phải "hy sinh" một chiếc thân máy và 2 ống kính. Ngoài ra, anh đã phải vứt bỏ toàn bộ quần áo vì mùi nồng nặc của lưu huỳnh và không thể giặt sạch.